Followers

Showing posts with label Giáo dục. Show all posts
Showing posts with label Giáo dục. Show all posts

Sunday, October 15, 2023

Khổng Tử đã giải đáp lý do nhiều sếp trả lương cao cho nhân viên mới nhưng không tăng lương người cũ

 Bỏ tiền nhiều để tuyển dụng một người mới còn hơn tăng tiền cho trăm người cũ. Dùng "hiệu ứng cá da trơn" để khiến nhân viên cũ làm việc chăm chỉ hơn. Đó là những bài học kinh doanh của người làm lãnh đạo.

Hùng là nhân viên lâu năm ở công ty, anh ấy đã làm việc ở đây được 8 năm. Suốt 8 năm, mặc dù Hùng không có thành tích gì đặc biệt nổi trội, nhưng cũng coi như có đóng góp không nhỏ.

Gần đây, vì con trai lớn của Hùng vào đại học, chi tiêu trong nhà tăng lên rất nhiều. Do đó, Hùng phải đến gặp lãnh đạo đề nghị được tăng lương, với hi vọng giảm bớt gánh nặng cuộc sống.

Nhưng thật không ngờ, lãnh đạo lại lập tức từ chối, không đồng ý tăng lương cho Hùng. Anh ta không còn cách nào khác, đành tìm thêm công việc online làm vào mỗi tối.

Sau đó, lãnh đạo lại tuyển vào vài người mới, mà trong đó có một thanh niên, chẳng những không kinh nghiệm, mức lương còn cao hơn nhiều so với Hùng. Điều này khiến Hùng rất bất mãn.

1. Tại sao không chịu tăng lương cho nhân viên cũ?

Thực ra, Khổng Tử đã nói với chúng ta câu trả lời từ hơn 2000 năm trước:

"Vua chư hầu có nước, quan đại phu có nhà, chẳng buồn vì dân ít, mà buồn vì của cải phân phối không đều." – Trích Luận Ngữ.

Câu này có nghĩa là bất luận là chư hầu có nước hay quan đại phu được phong đất đi nữa, cũng không nên lo lắng vì không có nhiều của cải, mà chỉ cần lo lắng việc của cải phân chia không đều.

Trong công ty cũng như vậy, nếu ông chủ tăng lương cho một nhân viên cũ, vậy những nhân viên cũ còn lại sẽ thế nào?

Lấy lại ví dụ hồi nãy: Hùng đề nghị ông chủ tăng lương. Lần này, ông chủ đồng ý rồi. Khi Hùng vừa rời khỏi, Hoàng cũng theo vào đề nghị tăng lương, công ty cũng duyệt cho. Nhưng khi Hoàng vừa bước ra, một nhóm nhân viên cũ khác lại kéo vào phòng ông chủ muốn tăng lương, gặp trường hợp này lãnh đạo phải làm sao?

Nếu đều tăng lương hết, nhân viên cũ trong công ty nhiều như vậy, không chỉ khiến tiền lãi năm nay hao hụt, mà còn làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển và thu mua trong năm tới.

Nhưng nếu chỉ tăng lương cho một mình Hùng, những nhân viên khác sẽ nghĩ gì?

Tăng lương cho người thâm niên 10 năm, người đã làm được 9 năm trong lòng làm sao thoải mái được? Mà đối với những người có năng lực mạnh lại càng không phục. Nếu theo cách này, lãnh đạo làm sao quản lý được tiếp. Thế nên, ông ấy chỉ còn cách không tăng lương cho Hùng.

Mục đích của công ty là kiếm thật nhiều tiền và lợi nhuận, chỉ cần có thể ổn định toàn bộ nhân viên, ông chủ sẽ không quan tâm nhiều đến sự công bằng của từng cá nhân.

2. Tại sao thà tuyển nhân viên mới với mức lương cao?

Có 2 lý do:

Thứ nhất: Mức sống hiện tại đang được tăng cao mỗi năm, dùng mức lương ban đầu để tuyển nhân viên nhất định sẽ không theo kịp thị trường. Vì thế, họ chỉ còn cách tăng lương để thu hút nhân tài.

Thứ hai: Họ chưa hài lòng với nhân viên cũ, đồng thời để tránh tình trạng mâu thuẫn như trong ví dụ trên.

Khổng Tử đã giải đáp lý do nhiều sếp trả lương cao cho nhân viên mới nhưng không tăng lương người cũ - ảnh 2

Cách làm này bắt nguồn từ "hiệu ứng cá da trơn":

Người Na Uy rất thích ăn cá mòi, đặc biệt là cá mòi sống. Trên thị trường, giá cá mòi sống cao hơn nhiều so với cá mòi chết, vì vậy nhiều ngư dân đã nghĩ ra trăm phương ngàn cách để mang cá sống về cảng. Nhưng tiếc là mọi nỗ lực của họ đều vô ích, bởi vì đa số cá mòi đều bị chết ngạt giữa đường.

Sau đó, một người thuyền trưởng nọ đã nghĩ ra cách bỏ một con cá da trơn vào chung với bể cá mòi. Những con cá mòi nhìn thấy cá da trơn liền trốn đi khắp nơi vì sợ bị ăn thịt.

Nhờ vậy, vấn đề cá bị thiếu oxi đã được giải quyết, ngư dân cũng có thể mang nhiều cá mòi sống về lại cảng cá.

Trong công ty cũng như vậy, rất nhiều nhân viên lâu năm bị đồng nghiệp đồng hóa, trở thành "cáo già" nơi công sở, làm ít hưởng nhiều, khiến lãnh đạo bất mãn nhưng không tìm được chứng cứ rõ ràng.

Thế nên họ phải dùng một người mới siêng năng, ngoan ngoãn, không kinh nghiệm mà lại có mức lương cao để kích thích một số nhân viên cũ làm việc chăm chỉ hơn.

3. Nếu gặp ông chủ không chịu tăng lương thì phải làm sao?

Tử viết: Sự quân, kính kỳ sự nhi hậu kỳ thực.

Khổng Tử nói: Thờ vua phải tận tâm, sau mới nghĩ đến bổng lộc.

Ở công ty, chỉ cần bạn cố gắng làm thật tốt công việc của mình, thành tích ưu tú, lương tất nhiên cũng sẽ tăng.

Ngay cả khi lãnh đạo không chịu tăng lương cho bạn đi nữa, nhờ nỗ lực làm việc, bạn cũng đã thu về một lợi ích vô hình: Nâng cao năng lực của bản thân. Mà như vậy thì "nhảy việc" cũng trở nên dễ dàng hơn đối với bạn.

Nếu bạn chỉ muốn được tăng lương mà không chịu khó làm việc, cuối cùng chỉ mất trắng thời gian một cách uổng phí.

Tử viết: Quân tứ thực, tất chính tịch tiên thường chi. Quân tứ tinh, tất thục nhi tiến chi. Quân tứ sinh, tất súc chi.

Khổng Tử đã giải đáp lý do nhiều sếp trả lương cao cho nhân viên mới nhưng không tăng lương người cũ - ảnh 3

Vua ban cho thức ăn chín, Khổng tử nhất định trải chiếu ngay ngắn rồi mới ngồi ăn. Vua ban thức ăn sống, Khổng tử nấu xong, cúng tổ tiên rồi mới ăn. Vua ban cho con vật còn sống, Khổng tử giữ lại nuôi.

Tại nơi làm việc, nhiều người dựa vào việc mình là nhân viên lâu năm, hiểu rõ thói quen lãnh đạo mà suốt ngày tìm cách nịnh nọt, chèo kéo cấp trên.

Chúng ta có thể kính nể cấp trên, nhưng nịnh nọt để đi lên là không đúng.

Với một người lãnh đạo sáng suốt, hành động của họ chỉ khiến đồng nghiệp chán ghét, còn lãnh đạo cảm thấy họ vô năng lực.

Do đó, ở nơi làm việc, trước tiên nên rèn luyện tốt năng lực chuyên môn của mình. Như vậy sau này dù phát sinh sự cố gì, chúng ta cũng có nhiều quyền lựa chọn hơn.

Luôn duy trì sự tôn trọng với cấp trên, đây là thể hiện của sự trưởng thành. Đồng thời tôn trọng và học hỏi điểm mạnh của những người khác để cùng nhau tiến bộ.

Theo Doanh nhân và Tiếp thị

Thursday, July 6, 2023

Mức giảm trừ gia cảnh 2023 có thay đổi gì không?

Biết mức giảm trừ gia cảnh 2023 không chỉ giúp người nộp thuế biết được mình được giảm trừ bao nhiêu mà còn biết được bản thân có phải nộp thuế thu nhập cá nhân hay không.

1. Mức giảm trừ gia cảnh 2023 có thay đổi gì không?

Mức giảm trừ gia cảnh 2023 được thực hiện theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14: Mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Mức giảm trừ gia cảnh này được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020, theo đó, mức giảm trừ gia cảnh 2023 không có gì thay đổi so với trước.

Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú.

Giảm trừ gia cảnh gồm 02 khoản sau đây:

(1) Giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế (đây là khoản giảm trừ mà người nộp thuế là cá nhân cư trú đương nhiên được giảm trừ).

(2) Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc

Người nộp thuế chỉ được tính giảm trừ cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế. Nói cách khác, ngay cả khi có đối tượng người phụ thuộc nhưng không đăng ký thì không được giảm trừ.

2. Đối tượng, điều kiện và hồ sơ chứng minh người phụ thuộc

2.1. Người phụ thuộc gồm những ai?

Điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định người phụ thuộc bao gồm những đối tượng sau:

(1) Con: Con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của chồng, con riêng của vợ, cụ thể gồm:

- Con dưới 18 tuổi (trường hợp này tính đủ theo tháng).

- Con từ 18 tuổi trở lên mà bị khuyết tật, không có khả năng lao động.

- Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập đó không vượt quá 01 triệu đồng.

(2) Vợ hoặc chồng của người nộp thuế đáp ứng đủ điều kiện (theo quy định tại mục 3.2).

(3) Cha đẻ, mẹ đẻ; cha chồng, mẹ chồng (hoặc cha vợ, mẹ vợ); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện (theo quy định tại mục 3.2).

(4) Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện (theo quy định tại mục 3.2), bao gồm:

- Chị ruột, anh ruột, em ruột của người nộp thuế.

- Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, cậu ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.

- Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: Con của chị ruột, anh ruột, em ruột.

- Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.


2.2. Điều kiện để trở thành người phụ thuộc

Điểm đ khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định cá nhân thuộc đối tượng (2), (3), (4) được tính là người phụ thuộc khi đáp ứng các điều kiện sau:

Trường hợp 1: Người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Điều kiện 1: Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.

(Người khuyết tật, không có khả năng lao là người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động như bệnh AIDS, suy thận mãn, ung thư,...).

Điều kiện 2: Không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.

Trường hợp 2: Người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.

2.3. Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc

Khi đủ điều kiện trở thành người phụ thuộc thì người nộp thuế cần chuẩn bị hồ sơ chứng minh và đăng ký.

3. Đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh

Thủ tục đăng ký người phụ thuộc được thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập (nếu có ủy quyền) hoặc người nộp thuế trực tiếp đăng ký người phụ thuộc với cơ quan thuế theo hình thức online hoặc trực tiếp tại cơ quan thuế.

Căn cứ theo khoản 10 Điều 7 Thông tư 105/2020/TT-BTC hồ sơ đăng ký người phụ thuộc như sau:

3.1. Cá nhân đăng ký người phụ thuộc trực tiếp tại cơ quan thuế

- Tờ khai đăng ký thuế Mẫu 20-ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC.

- Nếu người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên thì cần thêm: Bản sao Thẻ căn cước công dân/bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực.

- Nếu người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam dưới 14 tuổi thì cần thêm: Bản sao Giấy khai sinh hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực.

- Nếu người phụ thuộc là người có quốc tịch nước ngoài/có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài thì cần thêm: Bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực.

2) Công ty đăng ký người phụ thuộc cho người lao động

Người lao động sẽ ủy quyền cho công ty đăng ký thuế cho người phụ thuộc trình tự, hồ sơ như sau:

Bước 1: Người lao động nộp các mẫu sau cho công ty:

- Văn bản ủy quyền đăng ký người phụ thuộc.

- Giấy tờ của người phụ thuộc:

  • Bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên;

  • Bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực đối với người phụ thuộc có quốc tịch việt Nam dưới 14 tuổi;

  • Bản sao Hộ chiếu đối với người phụ thuộc là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.

Hồ sơ chứng minh người phu thuộc.

Bước 2: Công ty nộp Mẫu 20-ĐK-TH-TCT (Mẫu 02TH) qua mạng:

- Doanh nghiệp các bạn phải có Chữ ký số nhé (Token).

- Có thể khai trực tiếp trên thuedientu.gdt.gov.vn hoặc tải bảng kê Excel vào phần mềm HTKK, rồi kết xuất XML để nộp qua thuedientu.gdt.gov.vn.

Kết luận: Mức giảm trừ gia cảnh 2023 áp dụng đối với khoản thu nhập nhận được từ tiền lương, tiền công trong năm 2022 của cá nhân cư trú không thay đổi so với kỳ tính thuế năm trước.

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân của người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người/tháng.

Không phát sinh khấu trừ thuế có phải quyết toán thuế TNCN?

Nếu trong kỳ tính thuế mà tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập cho bất kỳ người lao động nào thì không phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp có trả tiền lương, tiền công thì phải quyết toán thuế, không phân biệt có phát sinh hay không phát sinh khấu trừ thuế.

Theo đó, cá nhân, tổ chức trả thu nhập vẫn phải kê khai đầy đủ tổng thu nhập chịu thuế của những người lao động được công ty chi trả thu nhập vào các chỉ tiêu liên quan tại các bảng kê được đính kèm vào Tờ khai Quyết toán thuế thu nhập cá nhân mẫu số 05/QTT-TNCN được ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC không phân biệt có hay không phát sinh khấu trừ thuế đối với những cá nhân này.

Căn cứ tiết d.1 điểm d khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định:

d.1) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi trả, không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân…

Như vậy, trong năm cá nhân, tổ chức không trả lương cho bất kỳ người lao động nào sẽ không phải nộp quyết toán thuế TNCN.


Không phát sinh khấu trừ thuế TNCN có phải nộp tờ khai không?

 



Không phát sinh khấu trừ thuế TNCN có phải nộp tờ khai không?

Người nộp thuế phải khai thuế TNCN theo tháng hoặc theo quý. Trường hợp không phát sinh khấu trừ thuế TNCN có phải nộp tờ khai không?

Không phát sinh khấu trừ thuế TNCN có phải nộp tờ khai không?

Người khai thuế TNCN là tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập mà trong tháng, quý không phát sinh khấu trừ thuế TNCN thì không phải nộp hồ sơ khai thuế (theo điểm e khoản 3 Điều 7 Nghị định 126/2020 được bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 91/2022).

Khấu trừ thuế hiểu đơn giản là việc cá nhân, tổ chức chi trả thu nhập tính trừ số thuế TNCN phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả (khoản 1 Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC).

Theo Phụ lục I - Danh mục hồ sơ khai thuế ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thì hồ sơ khai thuế tháng, quý của tổ chức, cá nhân trả thu nhập khấu trừ thuế đối với tiền lương, tiền công có Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công) mẫu số 05/KK-TNCN.

Đồng thời, điểm e khoản 3 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP được bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP quy định:

3. Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế trong các trường hợp sau đây:

[…]

e) Người khai thuế thu nhập cá nhân là tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc trường hợp khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng, quý mà trong tháng, quý đó không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của đối tượng nhận thu nhập.

Kết luận:

Căn cứ quy định nêu trên:

  • Tháng/quý nào có phát sinh khấu trừ thuế TNCN thì phải nộp tờ khai thuế TNCN.

  • Tháng/quý nào không phát sinh khấu trừ thuế TNCN thì không phải nộp tờ khai

  • Tháng/quý nào không chi trả thu nhập thì không phải nộp tờ khai. Nếu có chi trả thu nhập mà không phát sinh khấu trừ thuế TNCN thì cũng không phải nộp tờ khai (không phải kê khai).

  • Không phải nộp tờ khai trắng nếu không chi trả thu nhập/không phát sinh khấu trừ thuế TNCN. 

Như vậy, không phát sinh khấu trừ thuế TNCN không phải nộp Tờ khai 05/KK-TNCN.

Monday, May 9, 2022

Lý do khiến nhiều doanh nghiệp thất bại khi xây dựng và quản trị nhân tài

 

Xây dựng và quản trị nhân tài sao cho tốt là cả một nghệ thuật. Ở bài viết này, chúng ta sẽ xem xét 9 lỗi lãnh đạo và quản lý phổ biến nhất, đồng thời nêu bật những điều bạn có thể làm để tránh chúng, giúp cho việc quản trị đội ngũ của bạn sao cho hiệu quả nhất.

Lỗi 1: Không cung cấp phản hồi

Theo 1.400 giám đốc điều hành được thăm dò bởi Công ty Ken Blanchard, không cung cấp phản hồi là sai lầm phổ biến nhất mà các nhà lãnh đạo mắc phải. Khi bạn không cung cấp phản hồi nhanh chóng cho nhân viên của mình, bạn đang tước đi cơ hội cải thiện hiệu suất của họ.

Để tránh sai lầm này, hãy học cách cung cấp phản hồi thường xuyên cho nhóm của bạn. Bạn có thể tổ chức một cuộc họp cả nhóm, hoặc có thể trò chuyện riêng với nhân viên để cho họ những phản hồi chi tiết nhất có thể.

 

Lỗi 2: Không dành thời gian cho nhóm của bạn

Khi bạn là người quản lý hoặc người lãnh đạo, bạn rất dễ bị cuốn vào khối lượng công việc của riêng mình đến mức bạn không thể sẵn sàng dành thời gian cho nhóm của mình. Nhưng hãy đặt người của bạn lên trước – nếu không có bạn ở bên khi họ cần bạn, người của bạn sẽ không biết phải làm gì và họ sẽ không có sự hỗ trợ và hướng dẫn cần thiết để đạt được mục tiêu của mình.

Tránh sai lầm này bằng cách dành thời gian trong lịch trình cụ thể cho đội nhóm và học cách lắng nghe tích cực từ nhóm của bạn. Phát triển trí tuệ cảm xúc để bạn có thể nhận thức rõ hơn về nhóm của mình và nhu cầu của họ, đồng thời để mọi người của bạn biết khi nào họ có thể nhận được sự giúp đỡ của bạn.

 

Lỗi 3: Không quản lý vi mô

Một nhân viên vừa hoàn thành một dự án quan trọng. Vấn đề là anh ấy đã hiểu sai đặc điểm kỹ thuật của dự án và bạn đã không giữ liên lạc với anh ấy khi anh ấy đang thực hiện nó. Bây giờ, anh ấy đã hoàn thành dự án một cách sai lầm, và bạn phải đối mặt với việc giải thích điều này với một khách hàng đang giận dữ. 

Nhiều nhà lãnh đạo muốn tránh quản lý vi mô, nhưng đi đến một thái cực ngược lại cũng không phải là một ý kiến ​​hay – bạn cần phải cân bằng đúng mức.

 

Lỗi 4: Quá thân thiện

Hầu hết chúng ta đều muốn được coi là người thân thiện và dễ gần với những người trong nhóm của mình. Mọi người sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi làm việc cho một người quản lý như vậy. Tuy nhiên, đôi khi bạn sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn liên quan đến những người trong nhóm của mình và một số người sẽ lợi dụng mối quan hệ với bạn nếu bạn quá thân thiện với họ.

Điều này không có nghĩa là bạn không thể giao lưu với mọi người. Tuy nhiên, bạn cần phải cân bằng giữa làm bạn và làm sếp.

 

Lỗi 5: Không xác định được mục tiêu

Khi nhóm của bạn không có mục tiêu rõ ràng, họ sẽ không thể làm việc hiệu quả nếu họ không biết họ đang làm việc để làm gì hoặc công việc của họ có ý nghĩa như thế nào. Họ cũng không thể ưu tiên khối lượng công việc của mình một cách hiệu quả, dẫn đến các dự án và nhiệm vụ được hoàn thành không đúng thứ tự.

Hãy tránh sai lầm này bằng cách học cách đặt mục tiêu THÔNG MINH cho nhóm của bạn. Ngoài ra, hãy sử dụng các nguyên tắc quản lý theo mục tiêu để sắp xếp các mục tiêu của nhóm bạn hợp lý.

 

Lỗi 6: Hiểu sai về động lực làm việc

Bạn có biết điều gì thực sự thúc đẩy nhóm của bạn không? Đây là một gợi ý: rất có thể, đó không chỉ là tiền!

Nhiều nhà lãnh đạo đã sai lầm khi cho rằng nhóm của họ chỉ làm việc để nhận phần thưởng bằng tiền. Tuy nhiên, đây không chỉ là điều duy nhất thúc đẩy họ. Ví dụ, những người đang tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống có thể được thúc đẩy bởi những ngày nghỉ hoặc giờ làm việc linh hoạt. Những người khác sẽ được thúc đẩy bởi các yếu tố như thành tích, trách nhiệm bổ sung, lời khen ngợi hoặc cảm giác thân thiết.

 

Lỗi 7: Tuyển dụng gấp rút

Khi nhóm của bạn có một khối lượng công việc lớn, điều quan trọng là phải có đủ người “trên tàu” để đối phó với nó. Nhưng lấp đầy một vị trí trống quá nhanh có thể là một sai lầm tai hại.

Tuyển dụng vội vàng có thể dẫn đến việc tuyển dụng nhầm người cho nhóm của bạn: những người bất hợp tác, không hiệu quả hoặc không có năng suất. Tuyển sai người, bạn sẽ lãng phí thời gian và nguồn lực quý giá nếu mọi thứ không như ý và họ bỏ đi. Điều tồi tệ hơn, các thành viên khác trong nhóm sẽ căng thẳng và bực bội vì phải “gồng gánh” người kém thành tích.

Bạn có thể tránh sai lầm này bằng việc học cách tuyển dụng hiệu quả và đặc biệt kén chọn những người bạn đưa vào nhóm của mình.

 

Lỗi 8: Không là một tấm gương mẫu mực

Nếu bạn gọi điện thoại cá nhân trong thời gian làm việc hoặc nói một cách tiêu cực về CEO của mình, bạn có thể mong đợi những người trong nhóm của bạn cũng không làm điều này không? Chắc chắn là không!

Là một nhà lãnh đạo, bạn cần phải là một hình mẫu cho nhóm của bạn. Điều này có nghĩa là nếu họ cần ở lại muộn, bạn cũng nên ở lại muộn để giúp họ. Hoặc, nếu tổ chức của bạn có quy định rằng không ai ăn tại bàn làm việc của họ, thì hãy làm gương và đi đến phòng nghỉ mỗi ngày để ăn trưa. Tương tự đối với thái độ của bạn – nếu đôi khi bạn tiêu cực, bạn không thể mong đợi nhân viên của mình luôn tích cực.

 

Lỗi 9: Không ủy quyền

Một số nhà quản lý không ủy quyền vì họ cảm thấy rằng không ai ngoài bản thân họ có thể thực hiện đúng các công việc quan trọng. Điều này có thể gây ra nhiều vấn đề lớn như tắc nghẽn công việc xung quanh họ, và khi họ trở nên căng thẳng và kiệt sức.

Việc ủy ​​quyền cần rất nhiều nỗ lực từ trước và có thể rất khó để tin tưởng nhóm của bạn sẽ thực hiện công việc một cách chính xác. Nhưng trừ khi bạn ủy thác nhiệm vụ, nếu không, bạn sẽ không phát triển được con người của mình và để họ có thể giảm bớt áp lực cho bạn.

 — HR Insider —

Cách tính, cách nhận tiền dưỡng sức sau sinh


Bên cạnh việc nghỉ làm, lao động nữ còn được nhận một khoản tiền cho những ngày nghỉ dưỡng sức sau sinh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách nhận khoản tiền này.

Điều kiện nhận tiền dưỡng sức sau sinh

Khỏe mạnh, trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản là điều mà mọi lao động mong muốn. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe, không ít lao động phải nghỉ làm theo diện dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì người lao động được nghỉ từ 05 đến 10 ngày và được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản.

Do đó, cần lưu ý, khoản tiền dưỡng sức này chỉ được cấp cho người lao động có thời gian nghỉ dưỡng sức nối liền với thời gian nghỉ thai sản.

 

Cách tính tiền dưỡng sức sau sinh

Để hỗ trợ một phần thu nhập nhằm đảm bảo cuộc sống thường ngày, mỗi ngày nghỉ dưỡng sức người lao động được nhận một khoản tiền bằng 30% mức lương cơ sở (khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Ví dụ: Mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng, nếu tháng 5/2022, người lao động sinh con phải phẫu thuật được nghỉ dưỡng sức 07 ngày thì số tiền mà người lao động này nhận được là:

7 x 30% x 1.490.000 đồng = 3.129.000 đồng

 

Cách nhận tiền dưỡng sức sau sinh

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH, để được nhận tiền dưỡng sức sau sinh, người lao động phải có tên trong Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập (Danh sách 01B-HSB).

Dù pháp luật không quy định cụ thể các giấy tờ người lao động cần chuẩn bị, tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho mình, người lao động nên cung cấp đầy đủ, kịp thời các giấy tờ theo yêu cầu của người sử dụng lao động khi lập danh sách này.

Theo khoản 4 Điều 5 Quyết định 166/QĐ-BHXH, trong vòng 10 ngày kể từ ngày người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức sau sinh, người sử dụng lao động lập danh sách và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH).

Tối đa 06 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH sẽ giải quyết và thực hiện chi trả tiền chế độ cho người lao động.

 

— HR Insider/ Theo Luật Việt Nam —

Team Nhảy việc VS Team trung thành: Bên nào sẽ thắng thế trên đường đua sự nghiệp?

Thật khó để tìm được một nơi làm việc để người lao động gắn bó lâu dài. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào mức lương, phúc lợi, đãi ngộ của công ty mà còn phụ thuộc vào năng lực, sự thích nghi và kết quả mang về của người lao động. Một nhân viên có thể làm việc tại một công ty 6 năm hoặc 2 – 3 công ty trong 6 năm, thậm chí 6 công ty trong 2 – 3 năm, đều có thể xảy ra. Vậy, nhảy việc hay gắn bó lâu dài mới là biện pháp tốt nhất dành cho người lao động.

Nên nhảy việc hay gắn bó lâu dài ở một công ty, luôn là một trong những băn khoăn của hầu hết người lao động. Một số người cho rằng gắp bó lâu dài ở một công ty sẽ giúp con đường sự nghiệp dễ thăng tiến hơn. Ngược lại, một số khác cho rằng nhảy việc sẽ giúp họ học được nhiều kinh nghiệm hơn và có nhiều cơ hội hơn. Vây, đâu là con đường phù hợp với bạn? HR Insider sẽ đưa góc nhìn khách quan về “nhảy việc” và “gắn bó với một công ty” để bạn có thể tự tìm được câu trả lời cho chính mình nhé!


Ưu điểm và nhược điểm khi bạn là một NHÂN VIÊN TRUNG THÀNH

Ưu điểm

Khi bạn là người làm việc lâu năm, trước tiên bạn sẽ nhận được sự ngưỡng mộ từ các đồng nghiệp. Am hiểu cách thức hoạt động, giá trị tinh thần, tính chất sản phẩm của công ty, vì thế mà bạn có thể hoàn thành công việc nhanh chóng và thuận lợi hơn. Từ đó, công việc sẽ ít sai sót ngoài ý muốn và bạn cũng dễ dàng quản lí thời gian để cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân. 

Việc gắn bó với một công ty lâu dài đồng nghĩa với việc bạn gắn bó và hiểu rõ các đồng nghiệp của mình. Điều đó giúp cho bạn vui vẻ, thoải mái và làm việc ăn ý hơn. Từ đó năng suất làm việc cũng tốt hơn.

Hơn nữa, nhờ vào quá trình gắn bó lâu năm của bạn, bạn còn nhận được sự tín nhiệm cao từ cấp trên và có thể xuất hiện trong những cuộc họp quan trọng, đóng góp ý kiến vào các quyết định lớn của ban lãnh đạo.

Về tài chính, các khoản lương thưởng cho nhân viên có thâm niên và tiềm năng thu nhập cũng ổn định rất nhiều. Một số công ty đánh giá cao sự trung thành của nhân viên, họ đưa ra những mức thưởng hấp dẫn cho mỗi năm bạn cống hiến. Bạn cũng có lộ trình thăng tiến rõ ràng và có thể được đảm nhận những chức vụ giám sát, quản lý hay cố vấn…


Nhược điểm

Tuy nhiên, nếu cứ mãi làm việc tại một công ty, bạn sẽ dần cảm thấy nhàm chán và thu hẹp vòng an toàn của mình. Bởi bạn chỉ quanh quẩn làm những công việc tương tự sẽ khiến bạn có xu hướng sợ thay đổi. Bạn sẽ khó khai thác được tiềm năng của bản thân.

Nếu bạn là người có tinh thần học hỏi, thì sự thăng tiến là điều hiển nhiên, nhưng nếu bạn cứ làm mãi một việc và trở nên thụ động, không tiếp thu cái mới, không phát triển bản thân, bạn sẽ dễ lạc hậu và bị thay thế nhanh chóng, thậm chí là sa thải.

Hơn nữa, việc tăng lương khi bạn gắn bó lâu dài sẽ khó hơn trừ khi hiệu suất công việc của bạn vượt trội. Mức tăng lương định kỳ khó được chấp thuận hoặc không cao nếu công việc không có tiến triển tốt. 


Ưu điểm và nhược điểm của một NHÂN VIÊN NHẢY VIỆC

Ưu điểm

Những người nhảy việc thường được đánh giá là người luôn thử thách bản thân, thoát khỏi vùng an toàn và tìm kiếm những cơ hội mới cho bản thân. Họ không ngại đánh đổi để bắt đầu hành trình mới từ đầu để học hỏi nhiều hơn từ con đường mới, môi trường mới. Nên những người nhảy việc thông minh sẽ có nhiều kinh nghiệm và kĩ năng tốt hơn những người chỉ mãi ở trong vùng an toàn của mình. 

Một trong những lợi ích của nhảy việc chính là bạn được tiếp xúc với nhiều người, có thêm mối quan hệ, sự đổi mới trong môi trường làm việc cũng khiến người lao động thoải mái phát huy năng lực của bản thân.

Thêm nữa, nhảy việc sẽ giúp bạn dễ offer mức lương cao hơn. Bởi trên thực tế, mức tăng lương của nhân viên thường sẽ dao động ở mức 1 triệu đồng hoặc 5% lương mỗi kì đánh giá, tùy doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi đủ điều kiện nhảy việc, người lao động có thể tăng mức thu nhập trung bình từ 15% – 20% mức lương cũ, thậm chí có trường hợp tăng đến 50% tùy thuộc vào năng lực.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thử sức ở một vị trí cao hơn vị trí cũ. Bởi để được lên chức ở công ty bên cạnh năng lực thì vị trí bạn muốn cũng phải trống. Vậy nên, nếu bạn đủ giỏi nhưng có lẻ bạn phải đợi thêm vài tháng thậm chí vài năm. 

 

Nhược điểm

Mặc dù nhảy việc có nhiều lợi ích, nhưng nếu nhảy việc quá nhiều lần, bạn sẽ khiến hồ sơ của mình bị đánh giá thấp. Thường nhà tuyển dụng có xu hướng e dè nếu bạn nhảy việc quá nhiều. Bởi chắc hẵn, doanh nghiệp nào cũng cần một nhân viên có thể gắn bó.

Hơn nữa, nơi làm việc mới cũng chưa hẳn đã tốt hơn nơi cũ hoặc bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề khó khăn hơn. Trong số đó là khả năng teamwork sẽ giảm nếu bạn không may làm việc không hợp với đồng nghiệp mới. 

Việc bắt đầu một con đường mới đồng nghĩa bạn phải học lại từ đầu và sẽ có một số rủi ro nhất định mà bạn không thể dự đoán trước được. 


Kết luận

Theo HR Insider, bạn có thể lựa chọn gắn bó hay nhảy việc tùy vào mục tiêu và định hướng của cá nhân. Tuy nhiên, hạn chế nhảy việc quá nhiều vì nó sẽ khiến các nhà tuyển dụng e dè bạn. Bạn nên nhảy việc sau khi làm ít nhất 1 2 năm ở công ty cũ. 

Và hơn hết, hãy suy nghĩ thận trọng trước khi nhảy việc nhé vì “nhảy” thì dễ nhưng để “đáp” an toàn thì không đơn giản. Vấn đề không phải là bạn có gắn bó hay nên chuyển việc, mà là bạn chọn thời gian nào để giúp bản thân đạt được mục tiêu nghề nghiệp, nhận về những lợi ích, thu nhập và phúc lợi xứng đáng nhất. Chúc bạn sớm đưa ra được quyết định phù hợp với mình!

Theo HR Insider,