Followers

Thursday, December 23, 2021

Công khai thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng cho toàn bộ người lao động

Câu hỏi: Liên quan đến nội dung quy định trong luật lao động về công khai thông tin thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, thưởng, mình gửi câu hỏi này lên diễn đàn với mong muốn nhận được chia sẻ của các anh chị cũng như tổ tư vấn về thực tiễn áp dụng quy định này của luật.


Hiện công ty mình thực hiện chế độ trả lương/thưởng kín, vì vậy mình khá băn khoăn vì chưa có phương án tối ưu nào vừa đảm bảo tuân thủ luật vừa đảm bảo quy định nội bộ của công ty về bảo mật thông tin.

Rất mong nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của tất cả các anh chị và tổ tư vấn.

Trân trọng, 

Trả lời:

A/ Căn cứ pháp lý

(MN: viết tắt BLLĐ, HĐLĐ, NSDLĐ, NLĐ…)

1/ Quy định về việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động

Trước tiên, MN có bảng so sánh giữa BLLĐ 2012 và BLLĐ mới 2019 như sau:

BLLĐ mới 2019

BLLĐ 2012 hiện hành

Điều 93. Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động

Điều 93. Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động

1. NSDLĐ phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong HĐLĐ và trả lương cho NLĐ.

1. Trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động do Chính phủ quy định, NSDLĐ có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong HĐLĐ và trả lương cho NLĐ.

2. Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông NLĐ thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.

 

3. NSDLĐ phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.

Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.

2. Khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động NSDLĐ phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc của NLĐ trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của NSDLĐ.

Từ bảng so sánh trên thì:

(i)  BLLĐ 2012 và BLLĐ mới 2019 cho đến nay đều không thay đổi quy định là NSDLĐ phải công bố công khai thang lương, bảng lương và định mức lao động tại nơi làm việc trước khi thực hiện. 

(ii) Chỉ có điểm thay đổi là kể từ ngày 01/01/2021 thì BLLĐ mới 2019 không còn yêu cầu NSDLĐ phải gửi Thang lương, bảng lương cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động như quy định trước đây tại BLLĐ 2012.

2/ Quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tiền lương

Hiện nay Nghị định 28/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH…..(thay thế cho NĐ 88/2015/NĐ-CP và NĐ 95/2013/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành) vẫn giữ quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động tại Điều 16.1.a.như sau: 

“Điều 16. Vi phạm quy định về tiền lương

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với NSDLĐ có một trong các hành vi sau đây:

a) Không công bố công khai tại nơi làm việc thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng;”


B/ Áp dụng thực tiễn tại các doanh nghiệp

1/ Từ 02 căn cứ pháp lý đã trình bày trên, theo ý kiến cá nhân của MN thì pháp luật lao động đã khẳng định rõ là NSDLĐ phải công bố công khai thang lương, bảng lương, định mức lao động và quy chế thưởng tại nơi làm việc trước khi thực hiện, nếu không thì NSDLĐ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính; nên về mặt nguyên tắc thì NSDLĐ bắt buộc phải tuân thủ.

2/ Khác với việc “thông báo” Nội quy lao động đến toàn thể NLĐ (tương tự như hình thức “công bố công khai”) được quy định tại Điều 119.4 của BLLĐ 2012 và sau này là Điều 118.4 của BLLĐ mới 2019 đều có nội dung không thay đổi là “4. Nội quy lao động phải được thông báo đến NLĐ và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.” có phần dễ thực hiện.

Tuy nhiên việc công bố công khai Thang lương, bảng lương….về thực tiễn sẽ không đơn giản như việc “thông báo” Nội quy lao động như trên vì Thang lương, bảng lương có liên quan nhiều đến các yếu tố “bảo mật thông tin” của doanh nghiệp.

3/ Không chỉ riêng bạn Lâm Trần mà các AC làm công tác nhân sự (HR) đều rất băn khoăn trong việc thực hiện. MN có lấy ý kiến từ một số ACE HR về việc áp dụng thực tiễn tại doanh nghiệp nên MN nêu ra đây để AC tham khảo:

a/ Nhóm 1 - đối với  Công ty nước ngoài (MNC):

Một số các Công ty nước ngoài (MNC) hiện không công bố công khai cho toàn thể NLĐ “Thang lương, bảng lương…” vì đây là quy định bảo mật của Công ty và Tập đoàn mà chỉ công bố công khai “Quy chế lương, thưởng” thông qua các Quy chế nội bộ.

b/ Nhóm 2 - đối với Công ty trong nước

Một số Công ty có công bố công khai cho toàn thể NLĐ “Thang lương, bảng lương…” nhưng theo mẫu Thang lương, bảng lương mà nhà nước quy định (như Thang lương, bảng lương phải có số bậc và khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề ít nhất bằng 5% theo quy định tại Điều 7. Nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương của Nghị định 49/2013/NĐ-CP về tiền lương).

Một số Công ty chỉ phổ biến trong giới hạn Thang lương, bảng lương cho các Trưởng bộ phận mà thôi, và các Trưởng bộ phận sau đó sẽ có trách nhiệm phổ biến cho nhân viên thuộc phòng ban mình quản lý.

Vì vậy MN vẫn chưa thể tư vấn thấu đáo giải pháp tối ưu cho vấn đề của bạn. Đây là vấn đề hay nhưng cũng “khá khó” cho HR về mặt thực hiện nên MN mong nhận thêm các chia sẻ thực tiễn của các ACE nhằm giúp HR mình vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật lao động vừa đảm bảo quy định nội bộ của Công ty về bảo mật thông tin.

0 comments: