Followers

Thursday, December 23, 2021

05 điều cần biết đối với người đang dùng CMND/CCCD mẫu cũ


Hiện nay, vẫn còn nhiều công dân sử dụng CMND/CCCD mẫu cũ mà chưa thực hiện đổi sang thẻ CCCD gắn chíp. Bài viết này sẽ đề cập đến những điều mà người dùng CMND/CCCD mẫu cũ cần biết.

1. Thời hạn sử dụng của CMND/CCCD là bao lâu?

Thời hạn sử dụng của CMND

Căn cứ theo quy định tại Mục 4 Phần I Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13): CMND có giá trị sử dụng 15 năm.

Thời hạn sử dụng của CCCD

Đối với thẻ CCCD, thời hạn sử dụng sẽ được in trực tiếp trên thẻ theo nguyên tắc sau:

- Thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

- Trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định nêu trên này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

2. Thẻ CMND/CCCD mẫu cũ còn hạn sử dụng có bắt buộc đổi sang CCCD gắn chíp không?

Đối với CMND

Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định:

“Điều 5. Đổi, cấp lại CMND

1- Những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi CMND :

a) CMND hết thời hạn sử dụng;

b) CMND hư hỏng không sử dụng được;

c) Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;

d) Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

e) Thay đổi đặc điểm nhận dạng.

2- Trường hợp bị mất CMND thì phải làm thủ tục cấp lại.”

Như vậy, công dân dân nếu thuộc 05 trường hợp phải đổi và 1 trường hợp phải đề nghị cấp lại. Còn lại thì có thể sử dụng cho đến khi CMND hết hạn mới cần đổi.

Đối với CCCD:

 Thẻ CCCD được đổi trong các trường hợp sau đây:

+ Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi;

+ Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

+ Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

+ Xác định lại giới tính, quê quán;

+ Có sai sót về thông tin trên thẻ hiện tại;

+ Khi công dân có yêu cầu.

- Thẻ CCCD được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

+ Bị mất thẻ CCCD;

+ Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

Như vậy, công dân thuộc những trường hợp trên mới bắt buộc đổi sang thẻ CCCD gắn chíp. Còn lại, nếu không thuộc trường hợp trên và còn hạn sử dụng thì có thể sử dụng cho đến khi hết hạn

3. CMND/CCCD có giá trị tương đương CCCD gắn chíp

Hiện nay, trên cả nước đang tồn tại đồng thời các thẻ sau có giá trị tương đương:

- CMND 9 số, 12 số;

- CCCD, CCCD gắn chíp

Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định CMND là một loại giấy tờ tùy thân chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo khoản 1 Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014, thẻ CCCD là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về CCCD của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Như vậy, cả CMND và CCCD đều là giấy tờ tùy thân của công dân và có giá trị như nhau, công dân có thể dùng song song với nhau.

4. Khi đổi sang CCCD gắn chíp sẽ bị cắt góc hoặc thu hồi CMND/CCCD mẫu cũ

Đối với CMND đổi sang CCCD gắn chíp

Theo Thông tư 40/2019/TT-BCA, khi đổi CMND sang CCCD gắn chíp:

- Khi trả thẻ CCCD, cán bộ tiến hành cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND đó và trả CMND đã được cắt góc cho người đến nhận thẻ.

- Trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ CCCD qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý CCCD nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả CMND đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.

- Trường hợp CMND bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì thu, hủy CMND đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số CMND.

Đối với thẻ CCCD đổi sang thẻ CCCD gắn chíp

- Với trường hợp công dân đăng ký nhận thẻ CCCD gắn chíp qua đường chuyển phát nhanh đến địa chỉ theo yêu cầu: Tiến hành thu CCCD mẫu cũ, cắt góc và trả lại sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp CCCD gắn chíp.

- Với trường hợp công dân đăng ký nhận thẻ CCCD gắn chíp tại đơn vị cấp: Tiến hành thu hồi, cắt góc và trả lại CCCD mẫu cũ khi trả thẻ CCCD gắn chíp điện tử.

- Đối với CCCD mẫu cũ bị hỏng, bong tróc, không rõ nét thì thu, hủy CCCD đó.

5. Đổi sang CCCD gắn chíp có thể không cần xin xác nhận số CMND

Hiện nay, mã QR được in ở mặt trước, phía góc phải trên cùng của thẻ CCCD gắn chip cũng có chứa thông tin số CMND cũ (9 số) khi dùng điện thoại thông minh quét mã.

Vì vậy, hầu hết các trường hợp đổi CMND sang CCCD gắn chip không cần xin xác nhận số CMND (tại nhiều địa phương, Công an chỉ cấp Giấy này khi có yêu cầu).

Thư viện pháp luật.vn

Nhìn vào thẻ BHYT, sẽ biết ngay mức hưởng BHYT là bao nhiêu %


Nhìn vào Ô thứ 2 - ký tự thứ 3 từ trái sang chúng ta sẽ biết được mức hưởng BHYT là bao nhiêu % (Căn cứ Quyết định 1351/QĐ-BHXH ngày 16/11/2015 về mã số ghi trên thẻ bảo hiểm y tế do Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành). Cụ thể:

 

- Ký hiệu bằng số 1: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh(KCB) thuộc phạm vi chi trả BHYT và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán dịch vụ kỹ thuật; chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: CC, TE.

- Ký hiệu bằng số 2: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: CK, CB, KC, HN, DT, DK, XD, BT, TS.

- Ký hiệu bằng số 3: Được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: HT, TC, CN.

- Ký hiệu bằng số 4: Được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: DN, HX, CH, NN, TK, HC, XK, TB, NO, CT, XB, TN, CS, XN, MS, HD, TQ, TA, TY, HG, LS, PV, HS, SV, GB, GD.

- Ký hiệu bằng số 5: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB, kể cả chi phí KCB ngoài phạm vi được hưởng BHYT; chi phí vận chuyển, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là QN, CA, CY.

 (Theo thuvienphapluat.vn)

Mất sổ bảo hiểm xã hội người lao động phải làm thế nào?


1. Chức năng của sổ bảo hiểm xã hội

Sổ bảo hiểm xã hội được sử dụng làm căn cứ để giải quyết các chế độ cho người tham gia BHXH theo quy định của Pháp luật. Sổ bảo hiểm xã hội ghi đầy đủ thông tin về họ tên, nơi ở, quá trình đóng và hưởng bảo hiểm xã hội của người tham gia.

Thông qua sổ BHXH cơ quan BHXH sẽ nắm rõ được thông tin, quá trình đóng và hưởng BHXH của người lao động sử dụng làm căn cứ giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động. Mỗi người lao động sẽ được cấp 01 sổ BHXH và 01 mã số BHXH là số định danh duy nhất in trên sổ. 

2. Giải quyết trường hợp mất sổ BHXH

Khi làm mất hoặc làm hỏng sổ BHXH buộc phải xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 46 Quyết định 595 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Sổ BHXH mới sẽ dùng để thực hiện các ghi chép, làm căn cứ để hưởng các chế độ từ bảo hiểm xã hội của người tham gia.

Các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho người lao động được cấp lại sổ bảo hiểm khi bị mất sổ, hỏng sổ đảm bảo người lao động được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình.

3. Thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội

Thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội được quy định chi tiết tại Điều 27 và Điều 29 Quyết định 595/QĐ-BHXH.

Người lao động đến tại Cơ làm thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm. Người dân làm thủ tục cấp lại sổ BHXH tại cơ quan BHXH địa phương.

Thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội như sau:

a, Hồ sơ cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng

  • Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

  • Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

b, Thủ tục cấp sổ BHXH mới

Người lao động mất sổ BHXH nộp hồ sơ xin cấp lại sổ BHXH lên Cơ quan BHXH tại địa phương nơi sinh sống và làm việc. Cơ quan BHXH thực hiện tiếp nhận hồ sơ và giải quyết.

Thời gian giải quyết cấp lại sổ bảo hiểm xã hội, thời gian giải quyết không quá:

  • 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trong trường hợp điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ.

  • 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trong trường hợp cấp lại sổ do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; mất, hỏng sổ; cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH hoặc gộp sổ BHXH.

  • 45 ngày trong trường hợp cần xác minh quá trình đóng BHXH ở tỉnh khác hoặc ở nhiều đơn vị nơi người lao động có thời gian làm việc.

Như vậy, trường hợp mất sổ BHXH người lao động cần làm thủ tục xin cấp lại sổ BHXH mới theo quy định của Pháp luật để có thể thuận lợi hưởng các chế độ BHXH theo quy định.

Nghỉ hưu trước tuổi có bị trừ tỉ lệ hưởng lương hưu?

Cơ quan bảo hiểm xã hội trả lời bạn đọc thông tin liên quan đến việc nghỉ hưu sớm.

Bà Vũ Thu Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) hỏi: Tôi là nữ, sinh ngày 8.8.1973; tham gia đóng bảo hiểm ngày 1.6.1991. Tôi có trên 15 năm làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Xin hỏi cơ quan Bảo hiểm xã hội, khi tôi nghỉ hưu trước tuổi, có được hưởng nguyên lương hay không?   

Về việc này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi, bổ sung tại Điểm b Khoản 1 Điều 219 Bộ Luật lao động năm 2019, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội trở lên trong đó, có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người nghỉ hưu đủ tuổi.

Khoản 3 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về mức lương hưu hằng tháng đối với lao động nữ hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động như sau: Từ ngày 1.1.2018 trở đi, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng Bảo hiểm xã hội.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. 

Đối chiếu các quy định nêu trên, trường hợp của bà nếu nghỉ việc bà đã có đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có trên 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì bà được hưởng lương hưu hằng tháng.

Tuy nhiên, do thông tin bà cung cấp chưa nêu về tổng thời gian thực tế đã đóng Bảo hiểm xã hội và thời Điểm dự kiến nghỉ hưu của bà nên Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa có căn cứ để trả lời bà cụ thể. 

HÀ ANH

Công ty nợ đóng bảo hiểm, lao động có được hưởng chế độ hưu không?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời thắc mắc của bạn đọc liên quan đến vấn đề giải quyết hưu trí cho người lao động bị nợ đóng bảo hiểm xã hội.

Bạn đọc hỏi: Tôi sinh ngày 3.1.1961. Mã số bảo hiểm xã hội: 4096023xxx. Hiện nay thời gian đóng bảo hiểm của tôi là 28 năm 6 tháng, đã đủ tuổi về hưu theo quy định, chốt sổ bảo hiểm xã hội từ tháng 5.2021.

Tuy nhiên, trong thời gian từ tháng 3.2013 đến tháng 9.2017, công ty nơi tôi làm việc đã không đóng bảo hiểm xã hội cho tôi (tổng thời gian 4 năm 6 tháng với số tiền gốc và lãi là 120.479.221 đồng), số năm còn lại đúng 24 năm tôi đóng bảo hiểm xã hội.

Với điều kiện như trên tôi có được giải quyết chế độ hưu trí hay không? 

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời:

Theo thư bạn đọc trình bày, bạn sinh tháng 1.1961, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thực đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội là 24 năm, đối chiếu quy định tại quy định tại Điều 54, Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; quy định hiện hành tại Điều 169, Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18.11.2020 của Chính phủ thì tính đến tháng 5.2021 bạn đủ điều kiện để nghỉ hưởng chế độ hưu trí.

Trường hợp sau khi bạn được giải quyết hưởng chế độ hưu trí, công ty bạn đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian nợ bảo hiểm xã hội đối với bạn thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện tính bổ sung thời gian công tác và điều chỉnh lại tỷ lệ % hưởng lương hưu đối với bạn.

MINH HƯƠNG

Thưởng Tết 2022: Một số quy định người lao động cần biết

Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022 đến gần, tiền thưởng Tết được người lao động quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Quy định thưởng Tết 2022 của người lao động ra sao?

Theo Điều 104, Bộ Luật lao động 2019, tiền thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.


Thực tế, pháp luật không bắt buộc người sử dụng lao động phải thưởng Tết cho người lao động. Theo đó, người lao động có thể nhận tiền thưởng Tết hoặc không. Bên cạnh đó, về khoản lương tháng 13, pháp luật hiện hành cũng không quy định và doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải trả khoản tiền này.

Vì thế, tiền thưởng Tết, tiền lương tháng 13 phụ thuộc vào quy định, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Những khoản tiền người lao động có thể được nhận dịp Tết

Mặc dù đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVD-19, nhưng người lao động vẫn có cơ hội được nhận một số khoản tiền thưởng và hỗ trợ để đón Tết Nhâm Dần 2022.

- Thứ nhất là 300.000 đồng tiền thăm hỏi và quà từ quỹ tài chính công đoàn. 

Theo Kế hoạch 146/KH-TLĐ, có 2 nhóm đối tượng được hưởng tiền thăm hỏi gồm: Người lao động có đóng BHXH tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn hoặc cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn.

Danh sách những người đủ điều kiện nhận hỗ trợ sẽ được chốt đến hết ngày 31.12.2021. Sau đó, tiền hỗ trợ sẽ được công đoàn các cấp phối hợp với chính quyền địa phương trao đến tay người lao động.

- Thứ hai là lương tháng 13 theo thỏa thuận với doanh nghiệp.

- Thứ ba là khoản thưởng Tết do doanh nghiệp tự chi trả.

Thưởng Tết 2022 khó tăng

Chia sẻ về vấn đề thưởng Tết, nhiều chuyên gia nhận định, tiền thưởng năm nay khó tăng, thậm chí, nhiều doanh nghiệp không có tiền thưởng.

Nhiều doanh nghiệp đã rất nỗ lực để giữ được việc làm và trả lương cho người lao động, còn thưởng Tết là điều các doanh nghiệp không dám nghĩ tới.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói: "Theo đánh giá thì có khoảng 30 - 50% doanh nghiệp sẽ giảm thưởng Tết cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực để duy trì lương tháng 13. Tuy nhiên, mức thưởng cụ thể cũng sẽ thấp hơn năm trước".

Theo Kế hoạch 146/KH-TLĐ của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, người lao động có đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn sẽ được chăm lo, thăm hỏi từ nguồn tài chính công đoàn với mức 300.000 đồng/người. Ước tính, có khoảng 8 triệu người lao động nhận được khoản tiền này.

Ngoài khoản hỗ trợ 300.000 đồng/người, Kế hoạch 146/KH-TLĐ cũng liệt kê một số hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ, động viên đoàn viên và người lao động dịp Tết Nhâm Dần 2022 như:

Thăm, tặng quà cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, đang điều trị COVID-19; Tổ chức xe đưa đón hoặc hỗ trợ toàn bộ, một phần vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để đưa người lao động về quê đón Tết, trở lại làm việc…

Được biết công đoàn cơ sở sẽ chủ động cân đối nguồn thu, chi trong năm và sử dụng tối đa nguồn quỹ tích lũy để đảm bảo chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động. Các công đoàn cấp trên cũng sử dụng một phần tài chính công đoàn tích lũy để hỗ trợ công đoàn cấp dưới.