Followers

Sunday, February 20, 2022

Xác định đối tượng người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp

Tập đoàn Panasonic tại Việt nam là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có 100% vốn Nhật Bản (có đơn vị chủ quản là Công ty TNHH Panasonic Việt Nam). Hiện tại, Tập đoàn chúng tôi có một số vướng mắc về việc thực hiện Nghị định 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 về Luật Bảo hiểm xã hội đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau:

Căn cứ theo điều 2 của Nghị định 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018, người nước ngoài thuyên chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, đơn vị chúng tôi có vướng mắc khi xác định đối tượng người nước ngoài là thuyên chuyển nội bộ.
 
Tập đoàn Panasonic là 1 tập đoàn đa quốc gia với nhiều công ty thành viên ở các nước trên thế giới, có trụ sở chính đặt tại Nhật Bản. Người lao động nước ngoài được phái cử sang các công ty Panasonic tại Việt Nam có thể từ trụ sở chính tại Nhật Bản hoặc từ một trong những công ty thành viên của tập đoàn Panasonic ở nước ngoài. Vậy, việc phái cử người nước ngoài từ các công ty Panasonic khác trong tập đoàn sang làm việc tại Việt Nam có được coi là thuyền chuyển nội bộ hay không? Kính mong Bộ Lao động - thương binh và xã hội hướng dẫn xác định rõ các trường hợp thuyên chuyển nội bộ, để đơn vị chúng tôi có thể thực hiện đúng quy định của pháp luật.
 
Vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời doanh nghiệp như sau:
Trả lời thư kiến nghị ngày 18/01/2019 và công văn kiến nghị số 19/CVPV/2018JCCI ngày 19/11/2018 của quý Công ty về đề nghị làm rõ khái niệm "di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp" theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ để xác định đối tượng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau.
 
- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP thì các đối tượng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Việt Nam, bao gồm: “Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
b) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.”
- Theo đó, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đã quy định: “Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.”
Như vậy, theo quy định nêu trên thì người lao động nước ngoài được xem là di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp khi họ đáp ứng đủ các điều kiện sau:
+ Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật; + Phải được tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng;
+ Doanh nghiệp Việt Nam phải là hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài;
- Đồng thời, tại Điều 2 Thông tư số 35/2016/TT-BCT ngày 28/12/2016 của Bộ Công thương đã quy định “hiện diện thương mại” quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP bao gồm các hình thức: (i) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; (ii) Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; (iii) Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh. | Như vậy, đối chiếu với các quy định nêu trên thì người lao động là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật, đã được Tập đoàn Panasonic tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng và sau đó được Tập đoàn điều chuyển sang làm việc tại các Công ty Panasonic ở Việt Nam thì người lao động nước ngoài đó mới được xem là di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP và thuộc diện loại trừ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP.
 Sưu tầm theo http://www.molisa.gov.vn/

0 comments: