Đây là bài viết hướng dẫn cách tính điểm hoà vốn (sản lượng hoà vốn) vô cùng đơn giản.
Chuyện là, bạn mình dự định mở một cửa hàng nho nhỏ để có thể giúp Ba Mẹ xử lý hết một vườn nông sản Organic ở quê. Và đương nhiên, khi quyết định mở một cửa hàng hay công ty kinh doanh mà bạn không nắm rõ điểm hòa vốn để có kế hoạch, mục tiêu năm, tháng, thậm chí là ngày thì tựa như bạn nhảy xuống hồ nước bơi mà không biết bờ để tấp dzô ở đâu.
Có điều bạn mình thì hơi bối rối trong việc tính toán con số hoà vốn bởi hắn sợ kiến thức học thuật đã mai một. Nào là định phí, nào là biến phí rồi công thức gì đó,... không tài nào nhớ nổi.
Mình hoàn toàn hiểu được sự lúng túng của bạn mình, lý do là ngày trước, khi kinh doanh đồ trang sức online mình cũng vậy. Mình lao vào kiếm đọc lại sách hồi đi học, tính tính các kiểu (>,<). Nhưng rồi mình nhận ra, mình đã quá máy móc và hàn lâm. Trong khi thực tế, đôi khi không thể nào tính chi li hay tách bạch các khoản tính giống như hồi đi học. Nó sẽ khiến mình mất thời gian và hoàn toàn không cần thiết khi mình là người chủ và đang ở giai đoạn kinh doanh cá nhân nhỏ lẻ. Mình sẽ chia sẻ cho bạn xác định điểm hòa vốn cho kinh doanh sản phẩm theo cách tính đơn giản nhất mà bạn không cần phải là chuyên gia tài chính hay người học hành gì ghê gớm.
Nội dung tính toán này theo cách chỉ sử dụng cho riêng-mình-ta, không phải cho nghiệp vụ kế toán tài chính làm việc với nhà nước nhen. Bên cạnh đó, nó dùng cho bán sản phẩm, còn kinh doanh dịch vụ thì có nhiều đặc thù trong phân bổ chi phí so với bán sản phẩm mình không đề cập tới. ;)))
Bài toán điểm hoà vốn mà trường lớp dạy bạn
Nếu không thích đọc phần này, đau đầu & tốn thời gian thì bạn hoàn toàn có thể chuyển qua phần tiếp theo tính ngay được điểm hoà vốn vì hai phần nó độc lập ;))))
Đây là công thức trong sách vở mà chúng ta được học:
Qhv = F/(P – V)
Trong đó:
- F: Định phí (hay còn gọi là chi phí bất biến)
- V: Biến phí /đơn vị (hay còn gọi là chi phí khả biến)
- P: Giá bán /đơn vị
- Qhv: Sản lượng sản phẩm hoà vốn
Để ra được công thức trên, sẽ đi qua bước chứng minh như sau:
- TC: Tổng các chi phí
- DT: Tổng số thu nhập
- LN: Lợi nhuận thu về
Ta sẽ có các phương trình đại lượng như sau:
- LN = DT – TC
- DT = P*Q
- TC = F + V*Q
Công thức để tính điểm hòa vốn: LN = DT - TC
<=> LN = P*Q - (F + V*Q)
Và hoà vốn là khi LN = 0 <=> P*Q - (F + V*Q) = 0, suy ra điểm hòa vốn Qhv = F/(P - V)
Sau đó, các bài tập mà chúng ta nhận được để giải sẽ kiểu kiểu như là: Cho F = 6 triệu, P = 15 nghìn đồng, V = 7 nghìn đồng. Xác định điểm hòa vốn. Mà ngoài đời thực thì đâu ai cho sẵn bạn để tính như vậy#!$ (>,<)
Nếu chưa có kinh nghiệm, khi bắt tay vào tính tính, bạn cũng sẽ thường xuyên phân vân:
- Kinh doanh nhiều dòng sản phẩm, mỗi dòng sản phẩm có giá bán khác nhau, chi phí khác nhau, có nhiều chi phí dùng chung thì phân bổ cho từng dòng dựa vào đâu? Rồi tính điểm hoà vốn của cả cửa hàng kiểu gì?
- Nhiều chi phí không thể nào tách ra chi li được thì phải làm sao?
- Có nhiều khoản chi phí không biết xác định là biến phí hay định phí?
Tính nhẩm điểm hoà vốn của dân kinh doanh nhỏ lẻ
Bởi mình không phải là dân kinh doanh quy mô lớn nên tiêu đề phần này mình chỉ dám chia sẻ kinh nghiệm đã từng kinh doanh nhỏ lẻ. Đương nhiên, trước tiên bạn cũng cần hiểu đại khái & sau đó xác định được các số liệu của biến phí & định phí.
- Định phí hàng tháng: nôm na là các khoản tiền mà dù bạn có ngồi chơi không cũng phải chi trả. Ví dụ như: tiền thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên, tiền điện nước, thuê kho bãi, tiền thuê xe, tiền thuê công ty dịch vụ bảo vệ, tiền rác, tiền PCCC, khấu hao tài sản cố định, chi phí marketing, tiền lãi vay,...
- Biến phí hàng tháng: bạn cứ hiểu đơn giản là các khoản chi phí thay đổi theo số lượng sản phẩm hàng tháng. Ví dụ như: giá vốn, tiền khuyến mãi, tiền hoa hồng cho bên thứ 3, chi phí bao bì,...
Mình nói thêm một chút ở đoạn này về Khấu hao tài sản cố định:
Đối với các tài sản cố định lớn như máy móc thiết bị lớn, thì việc bạn phải phân bổ chi phí khấu hao theo thời gian là điều chắc chắn. Bởi vì, bạn không thể nào đưa hết một cục tiền mua máy đó chỉ vào đúng tháng mua máy. Làm như vậy chi phí tháng bị đội lên, báo cáo lời lỗ của tháng đó và những tháng sau sẽ không chính xác với thực tế. Máy móc thiết bị bạn dùng nhiều tháng, không phải chỉ dùng một tháng rồi thôi.
- Phương pháp khấu hao theo đường thẳng: hiểu đơn giản là bạn ước lượng thời gian sử dụng của máy. Lấy tổng tiền mua chia thời gian sử dụng (theo tháng). Này là phương pháp được phần đa người sử dụng. Mình cũng khuyên bạn mình sử dụng cách này là phù hợp nhất.
- Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh: bạn có thể hình dung giống giống phương pháp đường thẳng nhưng có điểu chỉnh thêm hệ số. Chi phí khấu hao sẽ giảm dần theo thời gian.
- Phương pháp khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm: này chỉ áp dụng đối với các loại tài sản tham gia sản xuất ra sản phẩm và ước tính được số lượng sản phẩm sản xuất được theo công suất của máy.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào xác định từng hạng mục chi phí, sẽ có nhiều khoản bạn không biết được đưa nó vào đâu vì nó kiểu hơi nửa này nửa kia. Nó chính là những loại chi phí hỗn hợp. Trong tuỳ trường hợp nó sẽ được định nghĩa là biến phí hay định phí. Mình nói ví dụ như:
- Chi phí tiền lương: chi phí tiền lương của các bộ phận quản lí thì chắc chắn là định phí. Còn đối với chi phí tiền lương của các bộ phận bán hàng, ví dụ nhân viên sales thì đa phần tiền lương = lương cố định + hoa hồng theo doanh số. Như vậy phần tiền cố định có thể xác định là định phí, còn phần hoa hồng theo doanh số sẽ là biến phí.
Thuế và lệ phí của chi phí chìm: nếu nó là lệ phí và thuế tính theo kết quả hoạt động kinh doanh thì được xác định là biến phí. Còn nếu là các loại thuế như thuế môn bài, thuế vốn, thuế nhà đất,... thì được xác định là định phí.
Nói chung mình thấy rằng, để nhanh gọn lẹ cho ra được bức tranh tổng quát nhất khi mà bạn làm chủ cửa hàng, doanh nghiệp cá nhân nhỏ thì bạn hoàn toàn có thể chủ động & đưa ra quyết định cho các hạng mục nằm ở bên nào theo mục đích riêng của mình.
Trường hợp kinh doanh một sản phẩm
Nếu bạn chỉ bạn đúng một loại sản phẩm thì việc tính toán đúng là sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Tính sản lượng hoà vốn
Ví dụ, bạn mình nếu chỉ bán một loại sầu riêng Ri6. Mình sẽ bắt tay vào tính điểm hoà vốn ở tháng đầu tiên, các tháng sau nếu có khoản nào thay đổi thì tính lại tương tự thôi nè.
Định phí: 22.050.000đ /tháng
- Tiền thuê nhà để hàng: 8tr /tháng
- Tiền đầu tư thiết kế logo, banner, thiết kế website,...: 5 triệu /tháng và chỉ trong 3 tháng đầu (Tổng tiền đầu tư khoảng 15 triệu nhưng nếu tính nó chỉ cho tháng đầu tiên thì áp lực cho cửa hàng mới khởi tạo quá. Vì thế mình ước lượng chia nó cho 3 tháng đầu tiên).
- Khấu hao tài sản cố định: 850k /tháng (Mình tính bạn mình sẽ mua 1 cái tủ mát bảo quản tầm hơn 30 triệu, thời gian sử dụng mình ước tính dùng trong 3 năm).
- Tiền marketing chạy quảng cáo: 5 tr/tháng
- Tiền điện thoại + internet: 600k /tháng
- Tiền điện + nước: 600k /tháng
- Chi phí sửa chữa nhỏ thường xuyên: 2 tr/tháng
- Hiện tại bạn mình làm một mình & cũng tự bán hàng nên chi phí lương nhân viên là không có.
Biến phí: 16.000đ /kg
- Chiết khấu cho sỉ: 8k /kg (10%*giá bán)
- Hoa hồng cho CTV: 4k /kg (5%*giá bán)
- Chi phí bao bì: 4k /kg
Giá bán sầu riêng Ri6: 80k/kg. Giá vốn: 50k/kg. Ở đây, phí ship khách hàng chịu nên mình coi như bỏ qua.
- Doanh thu lúc này: 80.000đ * Q
- Chi phí: 22.050.000 + 16.000 * Q
Hoà vốn là khi đó: Doanh thu = Chi phí
<=> 80.000 * Q = 22.050.000 + 16.000 * Q
<=> Qhv = 22.050.000 /(80.000 - 16.000) ~ 345 (kg)
Vậy tháng đầu tiên bạn của mình buộc phải bán ra được 345 kg sầu riêng Ri6 thì mới coi như hoà vốn. Và trung bình mỗi ngày bạn phải bán được tầm từ 12 kg sầu riêng trở lên mới ăn thua (>,<).
Chứ nếu ngày nào mà hắn bán không được 12 kg sầu riêng chắc hẳn sẽ ăn không ngon ngủ không yên rồi. Haha
Như vậy, bạn mình có thể biết được khả năng lãi hay lỗ trong từng ngày chứ không nhất thiết phải chờ đợi đến cuối tháng. Điều này giúp cho bạn mình có thể nhanh chóng thay đổi kế hoạch hay chiến lược tốt hơn.
Tính sản lượng theo mục tiêu lợi nhuận đặt ra
Cũng từ cách tính điểm hòa vốn này mà bạn còn có thể thiết lập mục tiêu lợi nhuận mong muốn hàng tháng là bao nhiêu (mình gọi tạm là sản lượng kỳ vọng Qkv). Ví dụ, trường hợp trên nếu bạn mình muốn 1 tháng lãi được 20 triệu chẳng hạn.
Lợi nhuận = Doanh thu - Chi phí
<=> 20.000.000 = 80.000 * Qkv - (20.050.000 + 16.000 * Qkv)
<=> Qkv = (20.000.000 + 20.050.000) /(80.000 - 16.000) ~ 657 (kg)
Điều đó có nghĩa là nếu ngày nào bạn mình cũng bán trung bình được tầm 22 kg sầu riêng trở lên thì lúc đó hắn có thể vui vẻ khao mình đi ăn uống rồi.
Trường hợp kinh doanh nhiều dòng sản phẩm
(Mình sẽ bổ sung thêm sau vì đã đến giờ mình phải về nấu ăn). ^.^
Nếu sau này bạn mình phát triển xa hơn, hướng đến thành lập pháp nhân hoặc phát sinh tiền vay & có trả lãi thì mình sẽ viết tiếp những chi phí liên quan nhé.
Tham khảo nguồn Amypham